Máy Tách Màu UY LONG

Mang tiện ích tốt nhất đến với khách hàng

Địa chỉ : 29 Nguyễn Thái Học, Phường Cầu Ông Lãnh, Quận 1, TP Hồ Chí Minh.

Hotline: 0918334394

    Mạng xã hội:

  • Công ty UY LONG
  • Youtube
Menu

Thương lái lúa gạo: Cơ hội và những rủi ro

Thương lái lúa gạo: Cơ hội và những rủi ro

( 02-01-2016 - 08:52 AM ) - Lượt xem: 582

Tại khu vực ĐBSCL, thương lái đóng vai trò quan trọng trong chuỗi giá trị lúa gạo. Đội ngũ trung gian này đang ảnh hưởng tới 20% giá trị gia tăng trong chuỗi giá trị lúa gạo xuất khẩu. Tuy nhiên, cam kết mua bán giữa nông dân và thương lái hiện theo hình thức thỏa thuận miệng, mang tính rủi ro cao, mà nông dân bao giờ cũng ở thế chịu thiệt.

Trong toàn bộ chuỗi giá trị gạo xuất khẩu ở khu vực ĐBSCL, thương lái là tác nhân đóng vai trò rất quan trọng trong việc kết nối từ người sản xuất lúa đến nhà xuất khẩu và có hoạt động trải dài nhất trong chuỗi.

 

Theo Ts. Đào Thế Anh - Phó Viện trưởng Viện Cây lương thực và cây thực phẩm, có đến 93% lúa gạo được thu gom bởi các thương lái. Sau đó, các thương lái sẽ bán đứt khoảng 13% lúa cho các nhà máy xay xát; 69% sẽ được họ mang đi xay xát rồi bán cho các nhà máy lau bóng, xuất khẩu; 11% số lúa được thương lái bán cho các nhà bán buôn bán lẻ trong nước, sau khi đã được xay xát.

 


Chuỗi giá trị lúa gạo sẽ giảm thiểu rủi ro cho nông dân

 

Lợi nhuận 20%

Ts. Đào Thế Anh cho biết các thương lái chủ yếu vẫn là các cá nhân hoạt động độc lập trên thị trường, thực hiện công việc mua bán giản đơn, không có các hoạt động như đầu cơ, tích trữ. 100% số thương lái đều sở hữu ít nhất là 1 ghe thuyền có trọng tải bình quân khoảng 26 tấn. Tuy nhiên, chỉ một số nhỏ 0,02% có sở hữu nhà kho, gian hàng; 8,3% là đại diện cho một tổ chức, doanh nghiệp.

 

Do mỗi thương lái đều thực hiện thu mua trên nhiều vùng khác nhau ở ĐBSCL, nên hoạt động của thương lái rất khó để kiểm soát. Số lượng thương lái cũng không được các cấp chính quyền thống kê một cách đầy đủ, chi tiết.

 

Trong chuỗi giá trị xuất khẩu lúa gạo, thương lái thu được tới 20% giá trị gia tăng. Trong khi các doanh nghiệp xuất khẩu hay các nhà máy xay xát thường không có sẵn nguồn tiền mặt để trả trực tiếp cho nông dân, bởi họ phải đầu tư vào sản xuất, còn các thương lái thường trả tiền mặt ngay cho nông dân khi thu mua lúa tại ruộng.

 

Nói về hệ thống thương lái, anh Hoàng Văn Chí - một thương lái của huyện Chợ Mới (An Giang), cho biết tổng số thương lái toàn vùng ĐBSCL rất lớn, trên 10.000 thương lái, trong đó lượng thương lái ở huyện Chợ Mới khoảng trên dưới 500 người. Về quy mô vốn, phần lớn các thương lái ĐBSCL có quy mô vốn nhỏ, tập trung chủ yếu ở mức 300 - 500 triệu đồng chiếm khoảng 70%, từ 500 - 1.200 triệu đồng chiếm khoảng 22%, thương lái có số vốn trên 1,2 tỷ đồng khoảng 8%. Các thương lái độc lập có số vốn lớn trên 5 tỷ đồng không quá nhiều.

 

Giải pháp bền vững

Ở các địa phương thường có hệ thống “cò” lúa, thương lái thường thu mua của nông dân qua “cò”, chi phí cho cò là 10 - 20 đồng/kg. Hiện có khoảng 55% tổng lượng lúa được thương lái mua qua “cò”. Bên cạnh “cò” lúa, còn có các “cò” gạo, là những người giúp thương lái bán gạo cho các công ty xuất khẩu, nhà máy xay xát. Hơn 71,4% thương lái bán gạo thông qua các “cò” gạo này. Chi phí được thương lái trả cho các “cò” gạo thường là 20 - 30 đồng/kg.

 

Hoạt động với số vốn nhỏ, cơ sở vật chất chủ yếu chỉ gồm ghe thuyền, các thỏa thuận chủ yếu bằng miệng, những thương lái cũng phải đối mặt với rủi ro nhất định trước biến động của thị trường. Đó là khi giá lúa sụt giảm, thương lái đã thỏa thuận giá mua cho nông dân và đặt cọc trước nhưng không thể bán cho doanh nghiệp với mức giá bảo đảm có lời. Khi đó họ sẽ có lựa chọn hoặc là bỏ cọc, chấp nhận mất số tiền đặt cọc nhỏ; hoặc vẫn mua lúa mang về sấy, ký gửi đợi giá lên rồi bán ra, nhưng lựa chọn này đòi hỏi thương lái phải có nhiều vốn.

 

Cách khác, họ vẫn thu mua lúa cho nông dân, nhưng tìm cách hạn chế bớt thiệt hại bằng cách thương lượng với nông dân để giảm giá thu mua. Nếu sự thương lượng không có kết quả thì có thể tìm cách trì hoãn thời gian thu mua. Người nông dân do không thể để lúa lâu sau khi thu hoạch, không có khả năng phơi sấy và dự trữ nên buộc phải bán cho thương lái với mức giá họ đưa ra.

 

Theo Ts. Đào Thế Anh, tại khu vực ĐBSCL, với những đợt biến động giá lúa gạo, nhất là sau những năm 2008, 2009 khi xuất khẩu gạo của Việt Nam bị dừng đột ngột, nhiều thương lái nhỏ đã bị phá sản hoặc thua lỗ và dừng hoạt động của mình. Một số chuyển sang làm thuê cho các thương lái lớn hơn, hoặc thuê ghe thuyền. Những thương lái còn nhiều vốn hơn đều phải hết sức năng động để mở rộng mạng lưới hoạt động với các doanh nghiệp, nhà xay xát, các đầu mối để xuất khẩu tiểu ngạch và các nhà buôn trong nước.

 

Theo các chuyên gia, thương lái dù đóng vai trò quan trọng trong chuỗi lúa gạo ở ĐBSCL, nhưng do đặc thù giao thương mua bán giữa thương lái và nông dân chỉ là cam kết miệng nên có thể dẫn đến rủi ro kinh tế cho người nông dân bất cứ lúc nào.

 

Để tránh những rủi ro trên, cần khuyến khích các doanh nghiệp ký kết trực tiếp hợp đồng bao tiêu lúa gạo với nông dân. Bên cạnh đó, thành lập các Tổ hợp tác, hợp tác xã như một cánh tay nối dài giữa nông dân và doanh nghiệp, khi đó, chuỗi giá trị lúa gạo sẽ được rút ngắn, thị trường sẽ ổn định hơn, lợi nhuận được thu về cho nông dân một cách chính đáng.