VFA 'đòi' công bằng cho doanh nghiệp đầu mối
( 02-01-2016 - 02:08 PM ) - Lượt xem: 512
Thị trường tập trung vẫn là giải pháp an toàn cho việc tiêu thụ lúa gạo. Song theo Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA), chế tài xử phạt các doanh nghiệp bỏ chỉ tiêu với hợp đồng tập trung vẫn còn quá lỏng lẻo.
Xuất khẩu gạo năm 2015 tăng 6% nhưng giá FOB giảm 1-2%. Ảnh internet.
Chế tài vô nghĩa
Theo VFA, thị trường tập trung luôn là giải pháp an toàn cho việc tiêu thụ lúa gạo nước ta nhất là vào những thời điểm thu hoạch rộ các vụ lúa chính trong nước. Tuy nhiên, mấy năm gần đây, chính sách nhập khẩu gạo của các nước luôn thay đổi theo hướng áp dụng các biện pháp có lợi cho người nhập khẩu bất chấp các thông lệ và cam kết thương mại quốc tế.
Bên cạnh đó, cạnh tranh giành thị trường tập trung ngày càng gay gắt, cụ thể là Thái Lan (do tồn kho gạo cũ lớn buộc phải bán ra và chất lượng giảm nên Thái Lan bán giá rất thấp so với mặt bằng giá chung của thị trường quốc tế và Pakistan với giá bán thấp hơn gạo Việt Nam khoảng 40 USD/tấn).
Cùng với việc cạnh tranh gay gắt, giá bán gạo vào thị trường tập trung không đem lại nhiều thuận lợi như các năm trước. Trong khi đó, việc bán gạo tiểu ngạch qua biên giới Trung Quốc không kiểm soát được số lượng và thời điểm nhập khẩu.
Một đại diện của VFA phân tích, khi ký hợp đồng tập trung với giá bán cao hơn giá xuất thương mại cùng thời điểm, nhưng khi triển khai thực hiện hợp đồng tập trung cùng thời điểm Trung Quốc khởi động mua gạo tiểu ngạch nhiều sẽ đẩy giá gạo trong nước tăng, khiến các doanh nghiệp được phân chỉ tiêu từ chối không thực hiện chỉ tiêu gây áp lực thiếu gạo giao cho đối tác. Điều này khiến cho doanh nghiệp đầu mối gặp khó khăn bởi vẫn phải thực hiện hợp đồng đúng thời hạn và phải chịu thua lỗ lớn.
Theo quy định của Nghị định 109/2010/NĐ-CP và Thông tư 44/2010/TT-BCT, các doanh nghiệp bỏ chỉ tiêu chỉ bị chế tài “không được phân bổ chỉ tiêu từ thị trường tập trung trong 6 tháng tiếp theo”. Đây là hình thức chế tài quá nhẹ, vì đa số là 6 tháng tiếp theo này không ký được hợp đồng tập trung thì xem như chế tài này là… vô nghĩa.
VFA kiến nghị, Chính phủ và Bộ Công Thương xem xét, sửa đổi biện pháp chế tài này sao cho đảm bảo sự công bằng, khách quan cho doanh nghiệp đầu mối.
Giá xuất khẩu giảm
Tình hình xuất khẩu gạo năm 2015 theo nhận định của VFA có khá hơn so với 2 năm trước. Sau 2 năm 2013 và 2014 số lượng xuất khẩu giảm liên tục thì xuất khẩu năm 2015 bắt đầu tăng trở lại gần 6%, nhưng trị giá FOB giảm khoảng 1-2% do giá xuất khẩu bình quân giảm.
Giá gạo giảm xuất phát từ việc xuất khẩu gạo trắng cao cấp và gạo thơm giá trị cao tăng mạnh nhưng không bù đắp được sự sụt giảm loại gạo trắng trung bình 15% tấm, kế tiếp là gạo cấp thấp giảm nhẹ.
Tuy nhiên, điểm tích cực của bức tranh xuất khẩu gạo là cơ cấu và chủng loại gạo xuất khẩu đã có sự thay đổi đáng kể trong thời gian qua. Hầu hết tỷ lệ gạo trắng đều sụt giảm, đặc biệt là gạo trắng cấp thấp, trong khi đó gạo thơm và gạo nếp tăng mạnh, nhất là gạo thơm tăng vượt mức từ 3,6% trong năm 2010 lên gần 23% trong năm 2015, đã tạo sự đột phá trong cơ cấu chủng loại và chất lượng gạo xuất khẩu Việt Nam.
Bên cạnh đó, xuất hiện thêm chủng loại gạo mới gồm gạo đồ và gạo japonica. Nhu cầu thị trường và năng lực sản xuất đã hình thành cơ cấu chủng loại và cơ cấu chủng loại và chất lượng gạo xuất khẩu.
Thị trường châu Á vẫn là thị trường xuất khẩu chính của Việt Nam chiếm 75% và xu hướng này vẫn còn ổn định trong thời gian sắp tới. Riêng Trung Quốc, nếu cộng thêm mua bán qua biên giới không thống kê được trong 3 năm gần đây ước khoảng 1,5 triệu tấn/năm, thị trường này chiếm gần 50% tổng lượng gạo xuất khẩu, trong khi nhu cầu nhập khẩu gạo của thị trường này ngày càng tăng.
Các nước Đông Nam Á gồm Philippines, Indonesia và Malaysia chiếm trên 34%, mặc dù các nước này đều muốn tăng sản lượng và hạn chế nhập khẩu, tiến tới tự túc lương thực, nhưng có vẻ khó thực hiện thành công trong điều kiện biến đổi hậu khó lường.
Với tình hình dự báo trên, VFA định hướng xuất khẩu gạo trong thời gian tới theo hướng duy trì và củng cố phân khúc thị trường gạo trung bình và cấp thấp để khai thác lợi thế cạnh tranh có sẵn về giá thành sản xuất và cước vận chuyển gần gồm thị trường Trung Quốc và các nước Đông Nam Á.
Mặt khác, thiết lập mở rộng thị trường gạo cao cấp nhằm đa dạng hóa nhu cầu, nâng cao chất lượng sản phẩm, hiệu quả sản xuất- kinh doanh và giá trị gia tăng, hạn chế phụ thuộc quá lớn vào một vài thị trường gần, tận dụng lợi thế các hiệp định thương mại tự do mang lại.